Tin Tức


GS Ngô Bảo Châu: Thi không đảm bảo nghiêm túc thì nên bỏ

TP - Theo Bộ GD&ĐT, việc thi tốt nghiệp THPT trong thời gian tới sẽ không có gì thay đổi, mặc dù trong dư luận có nhiều ý kiến nên bỏ thi. Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, GS Ngô Bảo Châu cho biết ông đồng tình với việc nếu tổ chức cuộc thi mà không có khả năng bảo đảm sự nghiêm túc thì tốt nhất là không nên thi. Việc tuyển sinh ĐH nên bỏ thi chung.

GS Ngô Bảo Châu đồng tình với ý kiến bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu không bảo đảm được tính nghiêm túc trong thi cử. Ảnh: Ngọc Châu
GS Ngô Bảo Châu. 

GS Ngô Bảo Châu nói:

Trong số những lập luận bảo vệ cho việc giữ thi, tôi thấy có một số ý kiến cần phải xem xét.

Lập luận thứ nhất, phải thi học sinh mới chịu học. Điều này nghe qua thì có lý nhưng soi xét kỹ hơn thì thấy không ổn. Người ta vẫn kêu ca là học sinh học lệch, học theo kiểu luyện thi... Cách học để thi không tạo nên cái gì tốt đẹp cho nhân cách của học sinh, không giúp các em có năng lực gì mới, những năng lực có lợi cho cuộc đời của các em sau này.

Nếu xét chuyện học để phục vụ cho kỳ thi thì đó không phải lý do để giữ thi. Ngược lại, nếu bỏ thì có lẽ sẽ bỏ được nhiều việc vô bổ. Tôi nghĩ nếu giáo viên được chủ động trong việc dạy học, không bị áp lực thi cử thì dạy tốt hơn, dạy những gì thực sự có lợi cho sự phát triển nhân cách và tư duy của học sinh.

 

 Tôi đồ rằng vấn đề của ĐH Việt Nam không nằm ở chất lượng đầu vào, cái không quá tồi hơn so với ĐH nước ngoài, mà nằm ở chất lượng đầu ra, nói cách khác chính là ở chất lượng đào tạo ĐH.

GS Ngô Bảo Châu

Lập luận thứ hai, nếu không có bằng tốt nghiệp phổ thông thì các em không đi học tiếp ĐH ở nước ngoài được. Tôi thấy không ổn lắm. Bằng phổ thông của ta không chính thức được công nhận ở các nước khác. Tôi nghĩ, với các trường ĐH ở nước ngoài, giữa một tấm bằng tốt nghiệp phổ thông có tính quốc gia với một chứng chỉ do các trường phổ thông cấp cũng không khác gì nhau. Chẳng hạn ở Mỹ, họ không có kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT. Mỗi học sinh khi học xong phổ thông được nhà trường cấp cho một cái chứng chỉ.

 

Lập luận thứ ba, nếu làm các công việc phổ thông thì các em có bằng tốt nghiệp phổ thông được trả lương cao hơn những em chưa tốt nghiệp. Cái này cũng không ổn. Không lý gì mà cùng làm một công việc đơn giản mà người tốt nghiệp phổ thông rồi được trả tiền cao hơn người chưa tốt nghiệp. Tôi thấy như thế hơi bất công.

Lập luận tỏ ra vững chắc nhất, đó là bỏ kỳ thi có thể gây những đảo lộn lớn trong giáo dục. Tôi đồng ý rằng nếu trước khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp, cần xem xét kỹ càng hơn nữa những hệ luỵ có thể. Những hệ luỵ mà người ta hay nhắc tới có vẻ không đến nỗi đáng sợ. Liệu còn có những hệ luỵ nào khác?

“Nên nhìn vào thực tế là mình đã thua cuộc”

Vậy thì theo giáo sư là nên bỏ thi?

Đối với tôi, nguyên tắc chung là cái gì mà mình không làm được nghiêm túc thì không nên làm. Mà hình như chúng ta không có khả năng tổ chức tốt một cuộc thi tốt nghiệp phổ thông trung thực và có thực chất. Ngoài ra trong một thời gian ngắn ta phải tổ chức liền hai kỳ thi có quy mô cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông, đó là thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển sinh ĐH. Liệu điều đó có thật cần thiết không. Có còn nước nào trên thế giới có liền hai kỳ thi như vậy hay không?

Nếu chọn mô hình tối ưu trong tưởng tượng thì tôi sẽ chọn mô hình có thi tốt nghiệp THPT, bỏ thi ĐH. Thi ĐH nên để các trường tuyển chọn căn cứ vào hồ sơ. Nên để trường ĐH tuyển sinh theo cách của họ, theo những tiêu chí họ cần, không nhất thiết phải có kỳ thi chung cho tất cả các trường ĐH.

Còn với thi tốt nghiệp, nếu tổ chức nghiêm túc được, giống như ở Pháp họ vẫn làm, tôi nghĩ là rất tốt. Họ cũng tổ chức kỳ thi trên quy mô toàn quốc, học sinh cả nước làm đề chung. Và tất nhiên, họ duy trì được tính trung thực của kỳ thi. Họ tổ chức thi chung, nhưng rải ra trong hai năm học chứ không dồn vào mấy ngày như ở ta. Một số môn thi năm lớp 11, một số môn thi năm lớp 12.

Mọi phương án đều có hai mặt, nếu tổ chức tốt thì hiệu quả tốt. Việc tổ chức để lấy vì như ở ta thì không có lợi mà chỉ có hại. Họ tổ chức kỳ thi quốc gia bởi họ đảm bảo được chất lượng kỳ thi. Còn chúng ta, theo một nghĩa nào đó thì ta đã thua cuộc, mà thua cuộc thì nên bỏ cuộc. Nên tìm cách gỡ ra bằng những hướng khác. Chúng ta cũng đã có những cố gắng để lập lại trật tự cho những kỳ thi đó, nhưng theo tôi hiểu thì những cố gắng ấy không thành công. Ta nên chấp nhận thực tế đó để tìm một phương án khác.

Bỏ thi tốt nghiệp, bỏ thi chung tuyển sinh ĐH

Theo giáo sư thì nên hướng đến phương án nào?

Hiện nay việc học sinh học xong lớp 10 lên lớp 11, từ lớp 11 lên lớp 12 do trường quyết định. Vậy việc kết thúc lớp 12 cũng có thể trao quyền cho trường quyết định. Trường căn cứ vào học bạ, vào điểm thi cuối năm để cấp chứng chỉ cho học sinh.

Cho dẫu chúng ta không ủng hộ việc học để thi nhưng không thể phủ nhận vai trò của hoạt động thi trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học…

Kỳ thi cuối năm được tổ chức tốt thì đó cũng là một động lực để cho học sinh học. Không nên lúc nào cũng lôi kỳ thi quốc gia ra để làm con ngáo ộp dọa học sinh. Từng thầy cô, từng hiệu trưởng có thể giúp cho học sinh của mình có động lực học tập tốt hay không.

Nhưng tổ chức một kỳ thi quốc gia chúng ta sẽ mới có một mặt bằng chung để đánh giá chất lượng giáo dục của từng trường?

Đánh giá và trao bằng là hai chuyện khác nhau. Ta hoàn toàn có thể tổ chức những cuộc thi nhằm khảo sát, đánh giá kết quả học tập của từng em, từng lớp, từng trường, từng địa phương. Nhưng việc này không liên quan gì đến bằng cấp mà chỉ đơn giản là để cung cấp cho ngành giáo dục, cho xã hội những thông tin về chất lượng dạy học, nó độc lập với chuyện bằng cấp.

Ngoài ra tôi nghĩ rằng việc giáo dục có độ chênh giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, là một thực tế. Có thể thấy rằng, mặt bằng giáo dục ở địa phương thường thì cũng tương quan với nhu cầu của thị trường lao động ở địa phương đó. Che cái thực tế này bằng tấm bằng tốt nghiệp chung không giải quyết được vấn đề gì. Cái cần làm là tạo ra cơ hội để học sinh có khả năng và nguyện vọng học cao hơn có thể làm được việc đó.

Như vậy bỏ thi tốt nghiệp, còn vẫn thi tuyển sinh ĐH, thưa giáo sư?

Trong trường hợp bỏ thi tốt nghiệp thì có thể giữ lại kỳ tuyển sinh ĐH, nhưng không nhất thiết phải là thi chung.

Câu chuyện thi chung được bàn cãi nhiều. Ngay cả các trường ĐH cũng muốn thi chung…

Nhiều người muốn có một cấp trên chỉ sẵn công việc của mình, nếu có sai sót thì có thể đổ lỗi cho cấp trên. Tôi nghĩ các trường phải xác định vấn đề tuyển sinh là lợi ích của từng trường. Phải thấy sức mạnh của một trường ĐH còn nằm ở chỗ trường được toàn quyền trong việc tuyển chọn sinh viên cho mình.

Bỏ ba chung cũng sẽ làm dư luận băn khoăn vì họ không tin rằng chất lượng đào tạo tốt nếu tuyển sinh đầu vào không được nhà nước kiểm soát…

Tôi đồ rằng vấn đề của ĐH Việt Nam không nằm ở chất lượng đầu vào, cái không quá tồi hơn so với ĐH nước ngoài, mà nằm ở chất lượng đầu ra, nói cách khác chính là ở chất lượng đào tạo ĐH.

Tôi tin rằng con người có thể có nhiều khả năng khác nhau, có nhiều năng lực không dễ thể hiện trong một bài thi viết, đồng loạt cho tất cả các trường trong cả nước, nhưng đó có thể chính là những năng lực cần thiết để thành công ở cấp đại học và ở trong công việc sau này.

Cảm ơn GS Ngô Bảo Châu.

Quý Hiên Thực hiện

http://www.tienphong.vn/giao-duc/643942/GS-Ngo-Bao-Chau-Thi-khong-dam-bao-nghiem-tuc-thi-nen-bo-tpp.html

 
<< Start < Prev 1 2 Next > End >>

Page 2 of 2

Đại học Điện lực

VIDEO HOẠT ĐỘNG



Get the Flash Player to see this player.

time2online Joomla Extensions: Simple Video Flash Player Module

Video playlist

Hỗ Trợ Trực Tuyến

Hotline: 0989.456.645

Quản lý đăng nhập



Liên kết

Tìm kiếm

Thống kê truy cập:

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterToday9014
mod_vvisit_counterYesterday12574
mod_vvisit_counterThis week68538
mod_vvisit_counterLast week89835
mod_vvisit_counterThis month362269
mod_vvisit_counterLast month341101
mod_vvisit_counterAll days6278920

Liên kết


card ukash kart